Sau 2 bản dự thảo nhận được nhiều góp ý, Bộ Công thương vừa đưa ra bản dự thảo lần 3 về Nghị định Quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Nghị định là doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện và được Bộ Công thương cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô trước ngày 31/12/2017 được quyền nhập khẩu ô tô kể từ ngày Giấy pháp kinh doanh nhập khẩu ô tô có hiệu lực.
Điều 16 của dự thảo Nghị định nêu rõ điều kiện nhập khẩu ô tô là: Có ít nhất 1 cơ sở bảo hành, bảo dưỡng; Có cam kết bằng văn bản với Bộ Công thương về việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi xe.
Cũng trong Điều 16, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng với thời hạn tối thiểu 3 năm, hoặc thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp.
Về thời gian áp dụng việc sở hữu tối thiểu 1 cơ sở bảo hành, bảo dưỡng này, dự thảo đang đưa ra 2 phương án, hoặc kể từ 1/7/2020 hoặc từ 1/7/2019.
Điều kiện này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Về phía người tiêu dùng, anh Trần Hoài Nam, một khách mua xe tại Hà Nội cho biết điều kiện có “ít nhất một cơ sở” là chưa thoả đáng với khách hàng. Bởi như anh đặt vấn đề, nếu doanh nghiệp bán xe chỉ có 1 cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ở TP. HCM thì người mua không lẽ phải vận chuyển ô tô đi cả nghìn cây số bảo hành?
Bên cạnh đó, quy định về thời gian áp dụng được đưa ra trong dự thảo có độ lệch và sẽ tạo lỗ hổng về hậu mãi, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng. Bởi lẽ nếu mua xe tại thời điểm hiện tại phải chăng 3 năm sau mới được bảo hành chính hãng?
Đối với doanh nghiệp, trả lời báo chí, ông Tô Đình Lâm, Giám đốc Auto K cho biết quy định này là sự lãng phí. Vì để đầu tư một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đạt tiêu chuẩn của Bộ Giao thông thì ngoài chi phí hàng chục tỷ đồng cho máy móc, thiết bị, nhà xưởng (xây dựng trên khu đất mà doanh nghiệp sở hữu tối thiểu 5 năm)…còn là bài toán duy trì hoạt động cho cơ sở này hàng tháng.
Ông Lâm tính toán, để duy trì cơ sở thì mỗi tháng doanh nghiệp phải sửa được 300 xe. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cả năm chỉ bán được vài trăm xe, như vậy, không đủ xe cho garage bảo hành.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Ông Toru Kinoshita cũng nhận định yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu ô tô phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng là không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trên thực tế, các nhà sản xuất ô tô không sở hữu mà sử dụng hệ thống các đại lý ủy quyền trong việc phân phối, bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi các sản phẩm ô tô. VAMA kiến nghị Bộ Công thương bỏ quy định trên và bổ sung yêu cầu các nhà nhập khẩu phải nộp 3 loại giấy, gồm: giấy ủy quyền của nhà sản xuất cho việc nhập khẩu, phân phối cũng như cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi chính hãng; hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật; hợp đồng cung cấp phụ tùng chính hãng.
Băn khoăn việc triệu hồi, bảo hành xe
Về việc triệu hồi xe, theo dự thảo, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm triệu hồi xe theo quy định của pháp luật. Dự thảo đưa ra 2 phương án: Doanh nghiệp nhập khẩu có trách nhiệm tiếp cận với chương trình triệu hồi của nhà sản xuất công bố, chủ động thông tin đến khách hàng và thực hiện khắc phục các lỗi kỹ thuật theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Hoặc doanh nghiệp phải có cam kết từ phía các nhà sản xuất ô tô (hoặc hiện diện thương mại hợp pháp của nhà sản xuất đó tại quốc gia xuất khẩu) về trách nhiệm triệu hồi ô tô nhập khẩu và hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình bảo hành, bảo dưỡng và bảo đảm cung cấp các linh kiện, phụ tùng phù hợp thay thế đảm bảo chất lượng kỹ thuật của xe nhập khẩu.
Phương án 1 hiện đang bị đánh giá là bất hợp lý. Theo ông Trần Tấn Trung, Tổng giám đốc CTCP Liên Á Quốc tế, đơn vị phân phối chính hãng xe Audi tại Việt Nam thì nếu không phải là nhà phân phối chính hãng, không được nhà sản xuất cung cấp phần mềm chính thức sẽ không thể kiểm tra, khắc phục được hết lỗi kỹ thuật liên quan.
Đối với hoạt động bảo hành, ông Trung nhận định, nếu không được thực hiện tại cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn, khi xảy ra sự cố sẽ rất nguy hiểm. Ông Trung đặt vấn đề và cho rằng hoạt động bảo hành, triệu hồi, nhất thiết phải có cam kết và giấy chứng nhận của nhà sản xuất mới được coi là đảm bảo điều kiện để kinh doanh ô tô.